Biết có còn không mùi hương của lúa chín

Đăng lúc: Thứ tư - 18/02/2015 00:20 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
(ảnh minh họa)

(ảnh minh họa)

Cảnh cánh đồng lúa chín bạt ngàn, ngát hương thơm, nhưng do chuyển sang sản xuất một vụ lúa một vụ tôm, nhưng một số nơi chỉ sản xuất tôm, nên không còn hương của lúa...
Cách đây mấy năm tôi đi công tác về xã Phong Tân, huyện Giá Rai vào những ngày gần Xuân; nhìn những thửa ruộng bông lúa vàng màu mỡ gà đầy phẳng như tấm thảm lụa chạy dài gân như vô tận, mùi hương thơm của lúa chín, màu xanh cây trái, hoà quyện cùng với không khí chuẩn bị đón Xuân của bà con nông dân làm cho tôi sống lại với cảm giác của tuổi thơ ngày nào…

Tuổi thơ, tôi cùng chúng bạn cứ khi trời bắt đầu lập đông, không khí bắt đầu se lạnh, người lớn bắt đầu chuẩn bị đi gặt lúa; còn đám trẻ con chúng tôi cũng bắt đầu náo nức theo người lớn ra đồng phần đông cũng chỉ để lội ruộng đùa nghịch, có làm được chăng cũng chỉ xách một vài bó lúa đem lên bờ ruộng hoặc lên xuồng thì cũng đã được khen rồi; đùa nghịch thỏa thích dưới ruộng lại lên ruộng hây vào trong vườn hái trái cây ăn, uống,... Nhưng có lẽ những đứa trẻ chúng tôi, đi theo người lớn với mong đợi lớn nhất là sau mùa thu hoạch lúa là cha mẹ bán lúa có tiền mua vải may quần áo mới, mua thêm những thứ gia vị để làm mứt, để gói bánh tét, để quết bánh phòng,…chuẩn bị cho ba ngày tết, bảy ngày xuân. Rồi những ngày xuân bên không khí quay quần đầm ấm của gia đình bên ly rượu, tách trà, bánh mứt, thịt heo, thịt gà, thịt vịt và có cả cá lóc, các rô nướng chui (cá được luội một đoạn cây vào giữa thân con cá rồi cấm xuống đất phủ rom lên kín châm lửa đốt rom cháy cho tới khi cá chín). Vì vậy, trong hương xuân là một sự hoà quyện của rượu, thịt, bánh mức, cá, mà tất cả những thứ ấy có lẽ nó được bắt đầu từ mùi hương thơm của lúa chín.

Hôm qua, có dịp đến ấp Cái Rắn A, Cái Nước, Cà Mau, thoáng thấy thưa thớt một vài đám ruộng lúa chín vàng nhưng hạt không no đầy, đan xen với những bụi lúa chín màu vàng ấy là những bụi lúa cũng màu vàng nhưng không có hạt và cũng không phải lúa chín, mà màu vàng ấy do bị nước mặn làm cho bụi lúa ấy chết èo uột; ven theo bờ sông những vườn cây màu xanh nhợt nhạt, thấp thoát thấy một vài quả đèo đẹt đong đưa,…thoáng những luồng gió lành lạnh trong nắng vàng nhạt buổi chiều tàn, mang hơi Xuân quyện với mùi bùn, cây cỏ chết vì nước mặn, bốc lên do chiếc máy chạy xuông khuấy động. Hỏi thăm, người dân nơi đây cho biết, từ khi chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm nhiều hộ nông dân khá lên, có hộ thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng trên năm, nhưng cũng có hộ vẫn nghèo và có khi còn nghèo hơn. Do bị nước mặn, nên môi trường thay đổi rất lớn, cây trái không còn xanh tốt như ngày xưa nữa…Và một, hai năm gần đây Chính quyền đề nghị các hộ dân phải thực hiện sản xuất một vụ tôm, một vụ lúa, nhưng cấy lúa xong đến khi lúa chuẩn bị trổ bông thì nước mặn vào nên lúa èo uột và chết như thế…

Tôi không có ý bàn về vấn đề chuyển đổi sản xuất, hiệu quả của chuyển đổi sản xuất, mà chỉ viết lên đây những dòng cảm nhận về hương vị mùa Xuân hoà quyện với mùi hương lúa chín, mùi thơm trái chín ngày xưa ở ấp Nhà Phấn, Phấn Thạnh, Cái Nước, Cà Mau quê tôi mà tuổi thơ tôi đã từng hưởng thụ, nay gần như không còn nữa, do chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi như ở ấp Cái Rắn A mà tôi vừa đến.

Không biết, rồi đây muồi hương lúa chín hoà quyện với hương Xuân ở quê tôi ngày nào có còn nữa hay không ? Nhưng, mùi hương lúa chín, hương Xuân của tuổi thơ trong tôi chắc chắn không bao giờ mất đi.

                                                           Bạc Liêu, ngày 25 tháng 12 năm 2009
                                                                       
                
Tác giả bài viết: Nguyên Lê
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn