TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT NHỮNG TRÌ TRỆ, BỨC XÚC, THÚC ĐẨY NHANH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH
Phan Quốc Hưng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu
So với năm 2006, tình hình phát triển của tỉnh năm 2007 tương đối ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt gần 12%; hầu hết các chỉ tiêu đều được thực hiện đạt và vượt kế hoạch; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống nhân dân trên một số lĩnh vực tiếp tục được cải thiện; đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà ở lụp xụp cho hộ nghèo, gia đình chính sách và chương trình bê tông, nhựa hóa hệ thống giao thông nông thôn; những lĩnh vực bức xúc như: công tác cải cách hành chính; công tác xây dựng cơ bản, đền bù tái định cư; chủ trương công khai quy hoạch các dự án liên quan đến nhân dân; công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... được quan tâm chỉ đạo; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được cải tiến và đạt được những kết quả nhất định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2007 cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cụ thể là: các ngành, các yếu tố tạo ra sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh không ổn định; mức độ tăng trưởng của các ngành kinh tế không đều; chất lượng tăng trưởng còn hạn chế (tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và lao động, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp phát triển chậm; hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa thấp...); nuôi trồng thủy sản còn nhiều rủi ro; việc chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh chậm đổi mới; nguồn vốn đầu tư trên các lĩnh vực không nhiều nhưng khả năng hấp thu, sử dụng của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế; bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực đầu tư phát triển công nghiệp; xúc tiến thương mại, du lịch; tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Trà Kha và các công trình trọng điểm; những bất cập trong công tác thẩm định, giải ngân; công tác đền bù, tái định cư... chậm được chấn chỉnh khắc phục; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý đô thị, quản lý đất đai, nhất là quản lý xây dựng còn nhiều yếu kém...; các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc đền bù, thu hồi đất của nhân dân còn phức tạp; môi trường, chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục sụt giảm...
Công tác quản lý và chất lượng hoạt động trên một số lĩnh vực xã hội còn hạn chế; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Công tác tổ chức cán bộ; công tác cải cách hành chính ở các ngành, các cấp; năng lực, trình độ một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức chuyển biến chưa đáng kể...
Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2008, Tỉnh uỷ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, tồn đọng chủ yếu sau đây:
1. Các cấp, các ngành có liên quan phải nhanh chóng kiểm điểm rút kinh nghiệm, tập trung chấn chỉnh, khắc phục cho được những yếu kém, bất cập trong công tác thẩm định dự án, phương án đền bù giải tỏa, tái định cư; đặc biệt là tình trạng tiêu cực, giải quyết thiếu công bằng, mất dân chủ và không công khai trong việc đền bù giải tỏa, tái định cư, gây bất bình trong nhân dân như trong thời gian qua.
Ngoài những vướng mắc, bất cập do cơ chế, chính sách Nhà nước quy định và những đòi hỏi không chính đáng của một bộ phận nhân dân khi phải giải tỏa, tái định cư... mà tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị, tìm cách giải quyết, UBND tỉnh cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan xác định rõ trách nhiệm đối với công việc, thái độ đối với nhân dân khi phối hợp lập thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Tinh thần chung là các ngành, các cấp phải chung sức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không đùn đẩy trách nhiệm, không câu nệ thời gian để công việc được hoàn thành có chất lượng, với thời gian sớm nhất.
Cần khẩn trương khắc phục sai sót đã qua đối với việc đền bù, giải tỏa, tái định cư; cần hiểu và thông cảm với những mất mát, xáo trộn trong cuộc sống của nhân dân khi bị giải tỏa, di dời để luôn có thái độ đúng đắn, trách nhiệm đầy đủ, không vô cảm trước khó khăn bức xúc của người dân. Khi lập phương án đền bù, cần thống kê đầy đủ, chính xác, vận dụng, áp giá đền bù có lợi nhất cho người dân và thực hiện công khai phương án đền bù từng dự án một cách cụ thể để nhân kiểm tra, giám sát việc thực hiện; khắc phục cho được tình trạng mỗi lần khiếu nại, mỗi lần điều chỉnh nâng lên, vừa kéo dài thời gian thực hiện, vừa tạo ra tâm lý nghi ngờ, thắc mắc, làm xấu mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, tạo kẽ hở cho cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu...
2. Thường vụ cấp ủy các cấp, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát các vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện phức tạp, bàn kế hoạch chỉ đạo, phân công cụ thể cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm giải quyết, để thực hiện tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất.
Chính quyền, trước hết là Chủ tịch UBND các cấp phải tăng cường đối thoại với dân và trực tiếp giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo ở địa phương mình theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Những vụ việc còn phải chờ chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, chưa thể giải quyết sớm thì trả lời công khai cho dân biết. Trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau thì bàn thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để có kết luận giải quyết dứt điểm. Việc nào ngoài khả năng giải quyết thì xin ý kiến cấp trên.
Các vụ việc đã có quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện ngay; kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm gây chậm trễ hoặc né tránh việc giải quyết. Cán bộ, đảng viên có sai phạm phải xử lý nghiêm minh theo Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Khi xem xét các đơn khiếu nại, tố cáo thì điều quan trọng là xem nội dung khiếu nại, tố cáo đúng hay sai, chứ không phải xem ai khiếu nại, tố cáo. Nếu dân khiếu nại, tố cáo đúng thì phải cương quyết giải quyết và phải giải quyết kịp thời; nếu không đúng thì phải kiên trì giải thích, phân tích cho dân hiểu; còn nếu có người lợi dụng khiếu kiện kích động, xúi giục gây mất an ninh trật tự thì phải xử lý theo pháp luật...
3. Tập trung chấn chỉnh công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, nhất là quản lý quy hoạch xây dựng đô thị; công tác xây dựng cơ bản; rà soát và có biện pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh... vì đây là những công việc liên quan đến sự phát triển lâu dài của tỉnh. Cho đến hôm nay, Bạc Liêu vẫn là một tỉnh nghèo trong khu vực; cơ sở hạ tầng còn rất lạc hậu, nếu không vượt qua được những yếu kém, trì trệ trong công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và xây dựng cơ bản, thì chẳng những chúng ta tiếp tục lãng phí các nguồn vốn đầu tư, lãng phí thời gian, làm phát sinh tiêu cực; mà còn làm hạn chế việc thu hút đầu tư và làm chậm sự phát triển của tỉnh...
Do đó, ngay từ đầu năm 2008, cùng với việc củng cố, tăng cường cán bộ các bộ phận có liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch và xây dựng cơ bản, Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo UBND tỉnh tập trung xử lý những vướng mắc về thủ tục, công tác thẩm định, giải ngân... Bằng nhiều biện pháp, tích cực tranh thủ cho được nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, cân đối, tạo thêm vốn tự có của địa phương để tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp, xây dựng các công trình trọng điểm, chuyển tiếp..., nhất là những công trình trên địa bàn thị xã Bạc Liêu, để làm cho bộ mặt thị xã Bạc Liêu và trung tâm các huyện có sự đổi mới rõ nét trong năm 2008, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh.
4. Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Tình trạng trộm cắp, cướp giật, cờ bạc và các hành vi phạm tội khác... ngày càng ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống, gây lo lắng trong nhân dân; điều đó cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những biện pháp đấu tranh của chúng ta trong thời gian qua còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới các cấp, các ngành, trước hết là ngành Công an cần tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; có biện pháp xử lý hiệu quả ngay từ đầu các hoạt động gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, nhất là các hoạt động theo kiểu băng nhóm, côn đồ, coi thường luật pháp...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kềm chế tai nạn giao thông; coi đây là biện pháp quan trọng để hình thành ý thức, thói quen chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông. Nâng cao khả năng thi hành công vụ thật nghiêm minh của lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, cơ quan quản lý điều hành giao thông; đồng thời xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ có hành vi tiêu cực, vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, quản lý giao thông... UBND các cấp chỉ đạo các ngành chức năng xử phạt thật kiên quyết, triệt để bằng các biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật những đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhằm làm giảm cơ bản tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
5. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và Chương trình của Tỉnh ủy. Thực hiện nghiêm việc công bố công khai, minh bạch những quy định về các thủ tục và giấy tờ cần phải có, đối với từng công việc hành chính và các dự án có liên quan đến quyền lợi của nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công sở để cho nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức.
Triển khai thực hiện mô hình “một cửa liên thông” ở các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính; nâng cao hiệu quả phối hợp của các Sở, ngành để xử lý các công việc một cách hiệu quả nhất, hạn chế thấp nhất tình trạng cơ quan này gây khó khăn cho cơ quan khác trong công việc; tăng cường phân cấp cho cấp huyện, cấp xã để giải quyết nhanh chóng, thuận lợi những thủ tục liên quan trực tiếp đến công việc hàng ngày của người dân. Phải xóa bỏ những rào cản đang tồn tại ngay trong bộ máy và cán bộ của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời xử lý nghiêm và đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu trong công việc được giao... góp phần củng cố mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Gắn chặt nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác phòng chống tham nhũng; thực hành tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung giải quyết những tiêu cực liên quan đến các lĩnh vực quản lý đất đai, ngân sách, xây dựng cơ bản..., tạo cho được lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự công minh của pháp luật và vai trò Ban chỉ đạo chống tham nhũng của tỉnh.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách tư pháp; không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng công tác điều tra truy tố, xét xử các vụ án “bảo đảm dân chủ, công bằng”, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất oan sai, không để lọt tội, nhất là những tiêu cực phát sinh trong quá trình này; đồng thời tăng cường thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng... Lãnh đạo các cơ quan tư pháp cần thường xuyên kiểm tra, rà soát đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan mình, làm rõ những vấn đề mà dư luận đặt ra, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm..., làm cho các cơ quan tư pháp thật sự là nơi bảo vệ lẽ phải và công lý, được nhân dân tin tưởng.
Cuối cùng là vấn đề cán bộ. Có thể nói những trì trệ, bức xúc trên một số lĩnh vực trong thời gian qua gắn liền với vai trò của cán bộ, đảng viên và lãnh đạo các đơn vị có liên quan. Do đó, để giải quyết những trì trệ nói trên phải bắt đầu từ vấn đề cán bộ. Năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ sắp xếp tổ chức bộ máy một số cơ quan đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X); mạnh dạn điều chỉnh, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hiện có; kiên quyết thay thế những cán bộ không đáp ứng tốt yêu cầu công việc, kém uy tín, nhất là những đơn vị có nhiều dư luận không tốt, tiêu cực. Xử lý kiên quyết những cán bộ sai phạm và không để tiếp tục công tác trong lĩnh vực đã có sai phạm. Các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ sẽ thường xuyên theo dõi việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ búc xúc của tỉnh; nếu sau một thời gian nhất định mà công việc không có chuyển biến tích cực phải chủ động đề xuất với Ban Thường vụ cấp ủy phương án thay thế cán bộ phụ trách không để kéo dài.
Tin rằng, những vấn đề bức xúc trên đây khi được giải quyết dứt khoát sẽ tạo bước đột phá cho sự phát triển của tỉnh, tạo được lòng tin, sự đoàn kết và sinh khí mới cho cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Nhân dịp năm mới, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tôi xin gởi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Bạc Liêu, ngày 26 tháng 12 năm 2008
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc