Hạnh phúc...

Đăng lúc: Thứ sáu - 27/02/2015 03:55 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
(ảnh được cập nhật từ Google - minh họa)

(ảnh được cập nhật từ Google - minh họa)

Có nhiều định nghĩa về hạnh phúc, nhưng với người bán hủ tiếu gõ trong chợ Hộ Phòng, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thì hạnh phúc thật là đơn giản, thật là cuộc sống đời thường… Gia đình trên thuận, dưới hòa, con cháu biết nghe lời cha mẹ, ông bà, anh em tôn trọng nhau là hạnh phúc rồi, chứ đâu phải giàu sang là hạnh phúc...

Những ngày thứ bảy, chủ nhật tôi thường hay đến quán cà phê và quán ăn trong chợ Hộ Phòng để uống ăn, vì quán không bảng hiệu mà diện tích quán thì chỉ có mấy mét vuông, còn cách bày bán thật đơn sơ chỉ có vài ba cái bàn ghế mũ lèo tèo; phía trước quán thì xe bán hủ tiếu gõ chỉ chuyên bán cho người lao động nghèo, người có cuộc sống trung bình trở xuống trong chơ này và cho những người khách như tôi, nên tôi đặt là quán “không tên”. Chiều thứ bảy hôm ấy, không hiểu sao chỉ mới hơn 15 giờ tôi lại cảm thấy đói quá, nên chạy xe honda đến quán gọi người bán hủ tiếu gõ làm cho một tô hủ tiếu, gọi chủ quán cho một lý trà đá, người bạn tôi một ly cà phê đá…Chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò cho hết ngày giờ...

Khi ăn uống xong, người bạn tôi có việc nên ra về trước còn tôi ngồi lại chờ chủ quán trả lại tiền thừa. Tôi hỏi em trai là người bán hủ tiếu đang trả lại tiền thừa cho tôi. Em tên gì, thường ngày em dọn ra bán - rồi dọn về lúc mấy giờ ? Em trả lời, dạ cháu tên là Đạt, thường thì hàng ngày hơn 4 giờ sáng cháu đẩy xe đến đây khoảng 5 giờ bắt đầu bán cho đến hơn 17 giờ thì dọn về nghỉ. Vừa trả lời xong thì Đạt quay sang nói người đứng bên cạnh “Ba xem chừng, con đi chợ nhé !”.

Thấy Đạt có lẽ chịu khó làm ăn, ngoan hiền, nên tôi muốn làm quen với ba của Đạt để tìm hiểu, hỏi thăm về gia cảnh… Ông liền mang chiếc ghế mũ đến ngồi bên tôi rồi giới thiệu và tâm sự: Tôi tên là Trưởng, năm nay tôi đã 60 tuồi rồi, gần 2 năm trước vì không cam chịu với cuộc sống hiện có trong ngôi nhà cấp 4 ở quê nên tôi cùng 2 đứa con trai và một con dâu rời Quãng Nam đi vào Nam mưu sinh. Trên bước đường mưu sinh tôi cùng mấy đứa con đã dừng chân lại nơi thị trấn Hộ Phòng này, rồi mấy cha con tôi sắm đồ nghề bán hủ tiếu gõ trong chợ này cho đến nay;

“Đạt đã 28 tuổi rồi mà nó vẫn chưa chịu lập gia đình, tôi với Đạt bán ở đây, còn đứa anh trai là anh của Đạt với vợ nó là chi dâu của Đạt cũng bán hủ tiếu gõ ở phía trước chơ Hộ Phòng này. Tôi còn 3 đứa con nữa ở ngoài quê, trong đó 2 đứa đã lập gia đình rồi cùng mẹ chúng lao động sản xuất để sống, còn một đứa thì đang đi bộ đội. Trong này mấy cha con tôi bán hủ tiếu gõ hàng tháng dành dụm gửi cho vợ tôi vài ba triệu đồng để lo cho gia đình, một năm tôi và mấy đứa con trong này mới về quê một lần vào mấy ngày tết Nguyên Đán, rồi qua Tết lại trở vào đây tiếp tục bán…”

Ông Trưởng tâm sự tiếp, gia đình chia đôi một nữa ở lại quê nhà, một nữa rời quê đi xứ người mưu sinh một năm mới về một lần, tôi tuổi này rồi mà phải sống xa quê, xa vợ, xa con cháu như thế thì buồn lắm chứ chú. Nhưng thật lòng mà nói, mỗi ngày đi làm về, chiều tăm rửa sạch xong ngồi ngẫm nghĩ tôi cảm thấy sung sướng lắm, sung sướng vì các thành viên trong gia đình luôn yêu thương nhau, vì các con tôi chúng đều trưởng thành nhưng tất cả chúng đều hiền ngoan, đều biết lo làm ăn, có ý thức trách nhiệm với tổ quốc, đặc biệt là không đứa nào cãi lại không nghe lời tôi với mẹ chúng, như thằng Đạt đây hơn một năm trước nó hút thuốc lá cũng nhiều như tôi, tôi bảo với nó “Ba già rồi không còn hút được bao lâu nữa, con thì còn trẻ nên nghỉ hút thuốc lá đi để vừa đở tốn kém vừa tốt cho sức khỏe”, vậy mà thằng Đạt nghe tôi nghỉ hút thuốc luôn đến nay đó chú. Mặc dù gia đình nghèo, nhưng các con đều được như thế đó mới chính là hạnh phúc thật sự của tôi đó chú.

Đúng. Tôi rất đồng cảm với ông Trưởng, dù cho cuộc sống gia đình có giàu sang đến đâu, có danh vọng đến mức nào cũng không thể đổi được hạnh phúc gia đình. “Hạnh phúc gia đình chính là các thành viên trong gia đình luôn thương yêu nhau, là sự trưởng thành của các con nhưng tất cả chúng đều hiền ngoan, đều biết lo làm ăn, có ý thức trách nhiệm với tổ quốc, đặc biệt là tất cả mấy đứa con đều biết vâng lời cha, mẹ.”
                                                     
     Hộ Phòng, ngày 2 tháng 9 năm 2012
                                                              

 

Tác giả bài viết: QUỐC THÁI - DÂN AN
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn