Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng và chống tham nhũng

Đăng lúc: Thứ tư - 25/02/2015 16:56 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
(ảnh được cập nhật từ Google - minh họa)

(ảnh được cập nhật từ Google - minh họa)

Đọc bài viết của Tác giả : Th.s Võ Thị Thúy Hà - Gv Khoa Quản lý Nhà nước, đăng trên trang thông tin điện tử, Trường chính trị Nghệ An, tôi nhận thấy bài viết rất hay nên muốn được làm tư liệu để tiếp đọc nghiên cứu sâu hơn và muốn chia sẻ thêm nhiều người đọc. Vì vậy xin phép tác giả Th.s Võ Thị Thúy Hà, copy bài viết và đưa lên trang web cá nhân. Dưới đây là bài viết của tác gia Th.s Võ Thị Thúy Hà:
Nhân lễ kỷ niệm 113 năm ngày simh chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định : “Chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng và lạm quyền của các đảng viên và cán bộ, công chức đang là mối đe dọa đối với Đảng, đối với đất nước; nếu hệ thống chính trị của chúng ta còn tồn tại những con người như vậy thì nền kinh tế sẽ bị đẩy lùi, tài sản của nhà nước, của nhân dân sẽ bị chiếm đoạt, phá hoại tình đoàn kết và quan trọng nhất là làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước. Do vậy Đảng ta xác định cần tiếp thu tinh thần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng, quan liêu, để mọi hành vi vi phạm của CBCC dù ở vị trí nào đi chăng nữa cũng đều bị xử lý nghiêm minh "

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra bản chất của tệ quan liêu, tham nhũng, nguồn gốc nguyên nhân phát sinh, phát triển của tham nhũng cũng như tính phức tạp của cuộc đấu tranh phòng chống các tệ nạn này. Ngay trong quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  công khai vạch trần, lên án nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền thực dân ở Việt Nam. Trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân pháp " Người đã dành hẳn một chương để viết về nạn tham nhũng trong bộ máy cai trị, trong đó vạch trần những hành vi tham nhũng của những kẻ luôn tự xưng là "Quan phụ mẫu" của dân. Người đã chỉ ra thói phung phí tiền của dân cho việc tham quan, triển lãm, ăn uống, tiếp khách, giải trí mua sắm biệt thự, xe cộ  và những thủ đoạn nhằm rút tiền từ việc nhận thầu các công  trình xây dựng, làm đường, khai man để chi tiêu, sử dụng của nhân viên nhà nước vào làm việc riêng. Chính thói tham lam, xa hoa, vô độ của bọn cai trị đã làm cho những gánh nặng thuế khóa trên đôi vai của người dân thuộc địa càng trĩu xuống và buộc họ  phải đấu tranh lật đổ chế độ cai trị của  chủ nghĩa đế quốc thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tệ tham ô, lãng phí vốn là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước và bất kỳ một nhà nước nào nếu như mà các hoạt động của bộ máy nhà không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí.

 

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Người đã sớm vạch ra một số hành vi tham nhũng mà công chức nhà nước thường dễ mắc phải, đó là tham ô của công, đục  khoét của dân, lợi dung của chung ăn hối lộ. Hơn một tháng sau tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh huyện và làng. Trong thư Người đã nêu lên những lỗi lầm rất nặng nề mà các nhân viên nhà nước đã phạm phải như: Trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người kịch liệt lên án thói cậy thế: "Cậy mình ở trong ban này nọ ngang tàng phóng túng muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân, quên rằng dân đã bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không cậy thế với dân". Hơn một năm sau Người có hai bức thư gửi các đồng chí ở Bắc bộ và Trung bộ, nội dung hai bức thư đó cùng đều nhằm phê phán các cơ quan của  Đảng và Nhà nước đã phạm các khuyết điểm: Địa phương chủ nghĩa, bè phái, óc quân phiệt, quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, thích làm bàn giấy, vô kỷ luật, ích  kỷ, kiêu ngạo, hủ  hóa,....Từ nội dung của bức thư này có thể thấy ngay trang những ngày đầu sau khi cách mạng Tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận diện ra được một căn bệnh hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ làm cho những người có chức quyền dễ bị tha hóa biến chất không còn là "Người đầy tớ của nhân dân", làm cho dân mất lòng tin và bất bình. Theo Người tham ô với những biến thái xấu xa của nó, là kẻ thù bên trong, nó như những tế bào lại xâm nhập vào cơ thể con người . Vì vậy để phòng chống có hiệu quả trước hết phải nhận diện cho rõ căn bệnh tai ác này. Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách giản dị: "Đứng về phía cán bộ mà nói tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô",  "Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ và công nhân".

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ rất sớm chỉ ra hình dáng, bản chất của tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tính phức tạp của cuộc đấu tranh chống lại các tệ nạn này mà Người còn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết với các tệ nạn đó trong việc tổ chức chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Lật lại trang sử những năm tháng đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ, chúng ta thấy: Việc giám sát hoạt động của cơ quan và công chức nhà nước nói chung, phòng chống tham nhũng nói riêng trong  bối cảnh lịch sử của một nhà nước còn non trẻ nhưng đã phải chống chọi với  thù trong, giặc ngoài đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh  đạo tổ chức thực hiện rất toàn diện. Một mặt, Người phát động quần chúng nhân dân tiết kiệm chống lãng phí, mặt khác Người yêu cầu mọi cán bộ nhà nước phải rèn luyện tư tưởng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải cần kiệm liêm  chính, chí công, vô tư. Người cho rằng: "những người trong các công sở từ làng cho đến Chính phủ trung ương đều có nhiều hoặc ít quyền hành, đều dể tìm dịp phát tài hoặc xoay tiền của chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân. Nếu không giữ  đúng cần kiệm, liêm chính, chí công thì  trở nên hủ hóa, biến thành sâu  mọt của dân”. Bên cạnh đó Người còn chỉ ra rằng: "Chống tham ô lãng phí và bệnh quan liêu cũng  quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị muốn chống  tham ô lãng phí, quan liêu thì phải dân chủ, phê bình và tự phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình  mình và  giám phê bình người. Phải để cho người phụ trách thấy, để quân chúng thấy, tham ô, lãng  phí, không thể nẩy nở được”  Vì vậy, chống tham ô, lãng phí, quan liêu tốt thì những người cán bộ trước hết phải hiểu rằng: "Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch được. Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra thành trận, luôn luôn lấn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết thì kiên quyết  làm”.

 

Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng nên đi đôi với giải pháp chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng toàn dân, toàn diện, Người đã kiên quyết xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chống tham nhũng. Ngay sau khi dành được chính  quyền hơn 80 ngày, ngày 23/11/1946 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban thanh tra đặc biệt, sắc lệnh này quy định Ban thanh tra đặc biệt có quyền "đình chỉ, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng chính phủ hay tòa án đặc biệt xét xử. Tịch biên hoặc niêm phong tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt". Đến ngày 18/ 01/1949, sắc lệnh số: 138/SL về tổ chức thanh tra Chính phủ đã quy định thêm chức năng "thanh tra cả ủy ban kháng chiến hành chính và viên chức về phương diện liêm khiết ". Ngoài việc ký sắc lệnh về tổ chức thanh tra đặc biệt là tổ chức có tính chất chuyên trách chống tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phát động các cuộc vận động có tính chất chống tham nhũng thông qua triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quyết định của Chính phủ, của Quốc hội như phát động phong trào" ba xây, ba chống"... Trong các cuộc hội nghị ,các cuộc gặp mặt các cán bộ, công chức tầng lớp nhân dân... Người luôn luôn nói đến đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính chống lãng phí, tham ô, chống bệnh quan liêu mệnh lệnh, kéo bè, kéo cánh,..Người cho rằng, nguyên nhân chính của căn bệnh tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, Người nhắc nhở mọi người cần hết sức đề phòng căn bệnh chủ nghĩa cá nhân phát triển ngay trong chính bản thân mỗi người để chống tham nhũng một cách có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phát động tư tưởng quần chúng, khiến cho quần chúng nhận thức được tác hại của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, để từ đó có thái độ khinh ghét tệ tham ô, lãng phí và tự giác tham gia vạch  mặt chỉ tên bọn tham nhũng trước pháp luật và công chúng. Người chỉ ra rằng Đảng phải biết dựa vào quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị có đúng hay sai...Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào. Nếu không thì những chỉ thị, nghị quyết đó sẽ hóa ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng, phải tiến hành cuộc đấu tranh quét sạch những ung nhọt ngay từ trong nội bộ Đảng. Bên cạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Người cũng còn rất chú trọng đến việc xử lý các hành vi tham nhũng, kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng cho dù những kẻ đó ở vị trí nào trong xã  hội. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu đã tham ô tài sản của quân đội, ăn chơi sa đọa. Qua sự việc này, thái độ kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại hiệu quả cao trong việc giáo dục đức liêm  khiết của cán bộ cách mạng.

 

Nhìn lại lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển đất nước, việc phòng, chống tham nhũng luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm nhằm giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức, xây dựng chính quyền liêm khiết. Hiện nay sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã, đang  làm thay đổi bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân,  nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Vì vậy, trong cuộc quyết chiến với quốc nạn tham nhũng hiện nay, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉnh  việc lấy "Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động" bằng việc tiếp thu, vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo những tư tưởng đó trên cơ sở phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Thực hiện tốt những lời dạy của Người về vấn đề này chính là góp phần thiết thực làm trong sạch và nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay./.

 

             Cập nhật lúc 3 giờ 20 phút ngày 14 tháng 5 năm 2013

                                                                      

Tác giả bài viết: Quốc Thái
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết