Mâm cơm gia đình

Đăng lúc: Thứ ba - 17/02/2015 19:07 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
ảnh minh họa)

ảnh minh họa)

Mâm cơm gia đình không chỉ là ăn mà còn là dịp thể hiện tình thương yêu của các thành viên trong gia đình, là điều kiện để giáo dục hình thành nhân cách của con người...
Thời gia cứ trôi đi, mỗi người cũng tất bật với bao nhiêu lo toan vì cuộc sống và rồi nhiều thứ gắn với đời người, gắn với gia đình cũng dần qua đi cùng năm tháng, thậm chí nó không còn nữa trong đó có “mâm cơm gia đình”…Tuổi ngày càng nhiều, đôi khi công việc có phần cũng nhàn, suy nghĩ mà ao ước làm sao có được “mâm cơm gia đình” như thuở còn bé, nhất là mỗi khi đi ăn cơm quán làm cho tôi càng nhớ da diết hơn. Bởi, không chỉ với riêng tôi mà chắc chắn là với mọi người đều phải thừa nhận, nếu như họ suy nghĩ…thì “mâm cơm gia đình” không chỉ là “ăn” mà nó mang đậm tính nhân văn, là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách con người.
 
Sau thời gian mọi thành viên trong gia đình ra đi lao động sản xuất hay đi làm một việc gì đó, thì gia đình cùng nhau quay quần bên mâm cơm, ngồi bên mâm cơm là một nề nếp tôn ty trật tự, thể hiện nét văn hóa của một gia đình có giáo dục. Khi ngồi, ông bà, cha mẹ, ngồi ở mâm trên còn con cháu thì phải ngồi mâm dưới,  người lớn cho phép thì con cháu mới được ngồi cùng mâm; người nhỏ nhất trong gia đình phải kính mời người lớn ăn trước rồi mới được ăn; người lớn dạy trẻ nhỏ cầm chén, cầm đũa như thế nào, gắp thức ăn như thế nào mới phải đạo, mới cung kính người lớn; trẻ nhỏ mà cầm đũa nằm để gắp miếng thịt ngon, gắp miếng thịt cá gần cái đầu con cá là đã bị người lớn rầy dạy như thế là bất kính; lựa gắp miếng ăn ngon, không có ý dành phần cho người lớn cũng là bất kính, bất hiếu, là mất dạy; mà trẻ con phải lựa miếng ngon, thức ăn ngon gắp cho người lớn, xem coi người lớn dùng gần hết cơm trong chén là chuẩn bị đưa tay nhận chén bới cơm mới vào chén cho người lớn…Tất nhiên đó là sự giáo dục của người đối với trẻ nhỏ về sự tôn kính người lớn, chứ có người lớn nào lại giành ăn miếng ngon, rồi để miếng không ngon, miếng xương lại cho con cháu bao giờ; mà họ còn lựa gắp cho con cháu những miếng ăn ngon, nhìn thấy cơm trong xoong, thức ăn gần hết là người lớn đã thôi ăn để dành phần cho con cháu được no…những việc làm và những lời dạy, hành động của từng thành viên trong gia đình bên “mâm cơm gia đình” ấy chứa đựng biết bao nhiêu điều tốt đẹp cần phải được phát huy, giữ gìn…
 
Ngày nay kinh tế - xã hội ngày càng phát triển nên cuộc sống có khá hơn nhiều, nhưng vì nhu cầu của con người gần như không có giới hạn, do vậy dù có cuộc sống khá đầy đủ hơn nhưng nhiều người vẫn tích cực hăng say hơn trong lao động sản xuất, kinh doanh mua bán mong kiếm thêm được nhiều tiền hơn, trong số đó không ít người, không ít gia đình không quan tâm, thậm chí quên luôn cả “mâm cơm gia đình”, một số thành viên trong gia đình tổ chức những “mâm tiệc sang trọng” để tranh thủ quan hệ lấy lòng, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc làm ăn, kinh doanh mua bán, nhằm kiếm thêm nhiều tiền, trong những buổi “mâm tiệc sang trọng” như thế thường là có người “phục vụ” mà tuổi của những người “phục vụ” ấy chỉ bằng tuổi con, cháu; nhưng xưng hô bằng anh em, rồi tình cảm “anh em” thì rất ngọt ngào, như thân thiết từ thuở nào; những thành viên trong gia đình còn lại thì ở nhà chờ trông người về với “mâm cơm gia đình”, chờ không được thì ăn trước, có khi đi quán ăn; còn con cháu thì tự ăn hoặc ăn không có người lớn, do vậy mà đã mất dần những nét văn hóa đẹp, tình cảm gia đình, sự hiếu thảo, sự chia sẻ nhau giữa các thành viên trong gia đình bên “mâm cơm gia đình”; nhưng quan trọng hơn là ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách những đứa trẻ, sự không biết kính trên, không biết nhường dưới, hình thành sự tư lợi, tranh giành ăn uống,…những thứ ấy nó được hình thành trong những chủ nhân tương lại của xã hội…Hiện nay, hiện tượng tranh giành lợi ích, thiếu tôn trọng nhau trong cuộc sống, đạo đức xuống cấp,…tuy chỉ diễn ra nơi này, nơi khác trong một bộ phận nhỏ của đời sống xã hội, nhưng chắc chắn là có liên quan và xuất phát từ những vấn đề bên “mâm cơm gia đình” nêu trên.
 
Vì vậy,  “mâm cơm gia đình” theo tôi nó không chỉ là ăn, mà nó là nên tảng để hình thành nhân cách con người; là nhân văn bởi trong bữa cơm ấy, bên “mâm cơm gia đình” ấy có những nhân tố văn hóa tốt đẹp cần phải được giữ gìn phát huy để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

                           Bạc Liêu, ngày 07 tháng 7 năm 2010
                                                                                  
Tác giả bài viết: Quốc Thái
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn