Hồi ức về chiến tranh

Đăng lúc: Chủ nhật - 22/02/2015 13:31 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
(ảnh minh họa)

(ảnh minh họa)

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, nhưng vào những ngày 30 tháng hàng năm càng làm cho tôi nhớ về về những tang thương do chiến tranh gây ra mà tôi nghe người kể và tôi đã chứng kiến...
Hàng năm, vào những ngày mùa xuân lịch sử (ngày 30 tháng 4), mặc dù khi xem không cầm được nước mắt, nhưng tôi vẫn cứ thích xem những bộ phim đề tài về cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và những ý kiến phát biểu, những cuộc tọa đàm của các Cô, các Bác là những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp quản chính quyền từ tay chế độ cũ, kể về những chiến công, những thách thức, giữa sự sống và cái chết…
 
Ở giai đoạn đó, tuy còn rất nhỏ nên không tham gia và cũng không góp được gì, nhưng tôi không thể nào quên được những vụ bom đạn tàn phá gây ra những cái chết đau thương cho người dân vô tội mà tôi đã được nghe người lớn nói với nhau và tôi đã chứng kiến đã tận mắt chứng kiến…    
 
NGHE NGƯỜI LỚN NÓI VỚI NHAU…
 
- Cách nhà tôi trên dưới 1.000 mét, vào lúc khoảng 5 giờ sáng, tại đám cưới của nhà ông Năm Thẹo, khi nhiều người vẫn còn say ngủ vì thức khuya lo công việc đám thì lính đồn vào đã xông nhà nổ súng xả đạn làm người anh (con của cô tôi) chết trong nhà, rồi chúng bắt ông Tư Thương dẫn đi, nhưng ông đã lớn tuổi mắt nhìn không rõ mà sáng sớm lại sương mù mịt, đất ruộng khô nứt nẻ nên ông bước đi té tới té lui, chúng (lính đồn) bảo là ông không chịu đi theo chúng nên đã nổ súng bắn chết ông…   
 
- Cách nhà tôi trên dưới 1.300 mét, vào lúc khoảng 15 giờ một trận đánh bom (thả bom từ máy bay xuống đất) của máy bay giặc đã làm cho tan hoang ngôi nhà và 3 người trong gia đình ông Tám Bộ, vô tội mà lại chết thảm thương trong nhà…
 
- Cách nhà tôi trên dưới 4.000 mét, vào lúc khoảng 8 giờ sáng, bà Tư Hòa ngồi trên mặt cống Cả Giữa làm việc gì đó, hai tên lính đồn thách đố nhau “Đố mầy chứ tao bắn trúng người đàn bà đó không ?”. Thế là súng nổ làm bà Tư Hòa chết thảm thương trên mặt cống.

 
TÔI TẬN MẮT CHỨNG KIẾN…
 
- Tuy còn nhỏ, cho đến hôm nay tôi cũng không hình dung được hình dáng của ba tôi được rõ ràng và tôi nhớ là không biết là tôi có khóc hay không…Nhưng tôi nhớ không thể nào quên được, chiều ngày ấy vào lúc khoảng 16, 17 giờ, mấy Chú, mấy Bác để Ba tôi nằm trên chiếc xuồng ba lá, đưa về cập bến sông trước nhà của tôi, rồi Mẹ tôi bồng đứa em tôi mới 4 tháng 1 ngày tuổi đến bên chiếc xuồng khóc, còn mấy anh em tôi chỉ biết đứng nhìn, tôi là đứa con lớn nhất nhưng tôi còn không biết chuyện gì để mà khóc thì mấy đứa em tôi lại càng không biết gì…, mà dù cho mấy anh em chúng tôi có khóc thì cũng chỉ khóc theo Mẹ tôi…Chỉ trong mấy giây, mấy phút,…mấy Chú, mấy Bác đã kéo chiếc xuồng ba lá có Ba tôi nằm trên đó đi đâu tôi không biết, còm Mẹ tôi thì quay trở lên nhà tiếp tục khóc, rồi ngày hôm sau tôi thấy nhà tôi có cái ghế nhổ mạ làm bàn thờ, có mấy chém cơm trên đó và nhang khói nghi ngút…
 
Sau này, lớn lên tôi mới hiểu mấy Chú, mấy Bác đưa thi thể của Ba tôi đến nghĩa trang chôn cất. Vì đồn giặc đóng gần – chỉ cách nhà tôi khoảng hơn 2.000 mét và vì mấy anh em tôi còn nhỏ mà nhất là đứa em tôi còn quá nhỏ, nên Mẹ tôi không thể đi theo chôn cất Ba tôi được…Ba tôi chết (hy sinh) mà Mẹ tôi, anh em chúng tôi đâu có được để tang, đâu có được tổ chức đám tang, đâu có người dám công khai đến chia buồn…
 
- Trận đánh bom của giặc vào khoảng 15 giờ làm 3 người nhà ông Tám Bộ chết, cách nhà tôi chỉ trên dưới 300 mét, bom cũng đã rơi trúng vào nhà của ông Tám Bồi làm 4 người chết (02 người chết trong nhà, 01 người chết cửa sau nhà, 01 chết trước sân nhà), vì gần nhà nên tôi đến tận nơi chứng kiến cảnh tượng chết đau lòng ấy…
 
- Hôm ấy, vào lúc khoảng 8 giờ sáng, Mẹ cùng Dì tôi đi bán mấy con cá đồng đã giăng lưới thả câu bắt được, để lấy tiền mua gạo, mua thức ăn sống qua ngày trong cảnh chiến tranh; trên đường về nhà, lính đồn đi càn gọi quay trở lại, nhưng Mẹ và Dì tôi cố tình giả không nghe gọi, nên liên bị chúng nổ súng bắn theo, Mẹ và Dì tôi trầm mình xuống đồng ruộng kéo theo chiếc xuồng ba lá về nhà, vì thế đạn từ những cây súng của lính đồn bắn ra cũng đi về hướng nhà; ở nhà mấy anh em chúng tôi đang ngủ trên gường kịp nằm xuống nên nhà để tránh đạn, còn con của Dì tôi chỉ mới 2, 3 tuổi đang nằm ngủ trên gường nghe tiếng nổ giựt mình bật ngồi dậy trên gường khóc thét lên mấy tiếng, rồi tôi nghe tiếng “bịch” con Dì tôi quay quay rồi run rẩy nằm xuống gường lặng yêm, tôi ngỡ là con của Dì tôi nghe tiếng súng nổ đạn bay vèo vèo nên sợ nằm xuống gường ngủ tiếp, nhưng nào ngờ khi Mẹ và Dì tôi về đến nhà thì con của Dì tôi đã chết…

 
Chiến tranh đã chấm dứt và đã 38 năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên được mà nhất là mỗi khi mùa xuân chiến thắng, những ngày tháng tư lịch sử lại về…những cái chết thảm thương của những người dân thường vô tội, những người chiến sỹ đã chiến đấu anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng để cho tôi có được ngày hôm nay;
 
Tôi nghĩ, tôi càng tự hào về những chiến công của những người đang sống là nhưng chứng lịch sử; càng được hưởng ấm no – hạnh phúc – tự do…thì càng phải nhớ những chết đau thương, sự hy sinh anh dũng; càng ra tu rèn đạo đức cách mạng, càng phải chăm lo giúp đở cho những gia đình, những đứa con đứa cháu của những người đã hy sinh nhất là những gia đình, những người vẫn còn khó khăn do sự tang thương; hy sinh bởi chiến tranh…  
 
             Ngày 30 tháng 4 năm 2013
                                                                              
Tác giả bài viết: QUỐC THÁI – DÂN AN
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết