HỆ LỤY CỦA QUY ĐỊNH VỀ VĂN BẰNG CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC

HỆ LỤY CỦA QUY ĐỊNH VỀ VĂN BẰNG CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ, TIN HỌC
Ngồi quán cà phê, đi thể dục nghe không ít những bàn luận, mặc dù có văn bằng chứng chỉ nhưng anh bạn tôi chỉ biết nghe, biết kế lại những chuyện đã nghe, chứ gần như không sử dụng máy vi tính được. Vì vậy, anh bạn đã nhờ tôi viết mấy dòng đăng, để bạn hữu nào có quan tâm đọc suy ngẫm, bàn luận, rút kinh nghiệm…
Để đáp ứng thực hiện công việc thì cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ mà chuyên môn nghiệp vụ được xác định bằng văn bằng chứng chỉ là điều tất nhiên. Nhưng điều đáng bàn ở đây là Quy định tất cả các vị trí công việc đều phải có, cho dù người đó khi học đại học, học sau đại học trong các học phần bắt buộc đã có ngoại ngữ, tin học.


Khi ra trường, họ được làm việc với những văn bằng chứng chỉ này, nhưng để tiếp tục làm công việc đang làm, không bị cho nghỉ việc, thì theo quy định tất cả các vị trí công việc phải có, nộp thêm văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà hầu như các văn bằng chứng chỉ ấy không liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ họ đang làm. Thế là, đăng ký lớp học cho có để thi lấy văn bằng chứng chỉ, có khi không học mà theo đó hợp thức hóa cho việc mua văn bằng chứng chỉ, còn thực chất chất lượng không có. Có văn bằng chứng chỉ nhưng không nói được, nghe được gì, mà có nói được thì không biết nói với ai, không được trang bị đầy đủ máy vi tính để làm vì họ làm việc ở cấp xã, là giáo viên mầm non mẫu giáo; làm việc ở bộ phận không có điều kiện giao tiếp, đọc dịch ngoại ngữ.

Nhưng cũng may, do điều kiện như thế mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn cơ bản thành thạo tiếng Việt, chữ Việt chưa trở thành người ngoại quốc trên đất Việt.

Quy định mang tính “Giấy phép con” để được tiếp tục làm việc; gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng vì văn bằng chứng chỉ không thật sự cần thiết; tạo ra nạn chạy văn bằng chứng chỉ không thực chất; hệ lụy đó ai là người chịu trách nhiệm…

Tác giả bài viết: Dân An