“Việt Nam giàu thì nhận viện trợ làm gì ?”

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/03/2016 00:10 - Người đăng bài viết: Nguyễn Hùng Thái
(ảnh cập nhật từ Google)

(ảnh cập nhật từ Google)

Thường lệ, hàng ngày tranh thủ thời gian lướt nhanh tin bài trên các trang báo, trang mạng xã hội, khi đọc bài viết “Việt Nam giàu thì nhận viện trợ làm gì?” của tác giả Đức Hoàng, đăng trên báo VietNamNet (ngày 24 tháng 02 năm 2016), tôi nhận nội dung bài viết rất cần suy ngẫm... Xin, Tác giả cho phép tôi được đăng lại trên trang web nhân nhằm chia sẻ với các bạn hữu có quan tâm...

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mới đây tâm sự về một kỷ niệm buồn: lãnh đạo người Nhật của JICA nói với bà rằng quan chức Việt Nam uống rượu còn xịn hơn cả người Nhật, thế thì Nhật viện trợ cho Việt Nam làm gì ?

Bức xúc của chị Mùi
 
Suy nghĩ ấy, không chỉ có một chuyên gia kinh tế mới nhận ra. Ngay cả một người bị tâm thần cũng hiểu.
 
Chị Phạm Thị Mùi chắc chắn là người vô gia cư nổi tiếng nhất của Hà Nội. Chị đã nhiều năm sống lang thang quanh khu vực cầu Long Biên cùng đứa con nhỏ, thằng Phả. Hai mẹ con cứ trần truồng lang thang dưới bãi Giữa, quanh chợ Long Biên, vừa xin vừa nhặt nhạnh đồ thừa lần hồi sống qua nhiều năm.
 
Chị Mùi nổi tiếng với công chúng qua bộ ảnh “Mùi và Phả” mà nhiếp ảnh gia người Mỹ Justin Maxon chụp cách đây 8 năm. Kể từ đó, đời chị trải qua nhiều thăng trầm, gặp anh Nghĩa, chuyển nhiều chỗ ở, nhưng vẫn quanh quẩn kiếp xin ăn.
 
Gần đây anh Nghĩa và chị Mùi mượn được một vườn chuối ở dưới bãi giữa sông Hồng. Anh chị dựng lên mấy túp lều, rất nhiều ban thờ được bài trí phức tạp từ những đồ nhặt nhạnh dưới sông (“Bố cháu làm việc trí tuệ” – chị Mùi kể về người chồng dị nhân của mình), la liệt là những rau củ quả dập nát chị xin được ở chợ, lọc ra ăn dần.
 
Nhiều người tin rằng cặp vợ chồng này điên. Nhưng cho dù là điên, cho dù chị có trần truồng đi lại giữa phố xá Hà Nội đã nhiều năm, thì không phải người điên không biết nghĩ.
 
Chị Mùi bức xúc:chị mới bị tạm giữ ở khu vực Hà Đông vì lang thang đi xin ăn, mất mấy tháng mới được thả ra. Chị vừa cặm cụi nhặt những cọng nấm xin được, vừa càu nhàu: “Suốt ngày đi xin viện trợ nước ngoài. Không có người nghèo thì xin viện trợ làm gì? Viện trợ cho người giàu à?”.
 
Trong suy nghĩ đơn giản của chị Mùi, trong kiếp sống mà chị đã trải qua, thì ăn xin hẳn là một phần tất yếu của xã hội. Nghèo thì ăn xin thôi. Nhưng người ta cứ đuổi chị, chứ chối bỏ cái phần tất yếu ấy, không hiểu vì sao. Vì vấn đề bộ mặt đô thị? Thế thì xin viện trợ làm gì ?



 
Mẹ con Mùi và Phả trần truồng lang thang nơi bãi giữa (2008). Ảnh: Justin Maxon
 
 
Ai là người nghèo?
 
Có phải là trong khi những quan chức địa phương uống chai rượu mấy nghìn USD thì những kiếp sống như chị Mùi, tức là cái mảnh thực tế quan trọng của xã hội Việt Nam – cái nghèo – đang được đối xử bằng cách lờ đi, gạt đi, chối bỏ khi nó xuất hiện.
 
Ăn xin thì đuổi. Bán hàng rong đuổi. Vô gia cư đuổi. Cũng chính ở cái bãi giữa dưới chân cầu Long Biên này, tồn tại một cộng đồng những người vô gia cư dựng lều lập xóm đã hơn 20 năm nay. Mùa Noel cách đây hơn 10 năm, chính quyền cũng đã xuống cưỡng chế, phá tan những túp lều này để đuổi họ đi. Họ cương quyết không đi, bám trụ ở lại.
 
Phương thức cưỡng chế đuổi đi khi những mảnh thực tế này xuất hiện ở các thành phố gần như là cách làm duy nhất mà các nhà quản lý đô thị đang thực hiện.
 
Họ sẽ không đi, đó là điều chắc chắn. Chị Mùi sẽ lại đi xin ăn, những người vô gia cư vẫn sẽ bám lấy túp lều của họ ở bãi giữa, những người bán hàng rong vẫn sẽ tìm đủ mọi cách để trốn công an, dân phòng bám lấy thành phố mưu sinh. Họ đi đâu? Về quê thì ruộng đồng hoặc không còn, đã thành nhà máy hoặc sân golf, hoặc không thể nuôi nổi họ. Không ai giúp họ đủ để họ bỏ cái việc vật lộn với thành phố này. Ở đó, có tiền.
 
Cái hành động “đuổi đi” để giữ gìn mỹ quan đô thị sẽ chỉ được thực hiện nếu ở đâu đó, đã có đủ chính sách hỗ trợ những con người này sống tiếp. Còn “đuổi đi” chỉ để đuổi đi thì là một hành động mang tính hình thức – suy nghĩ của chị Mùi là như thế.



 
Mẹ con chị Mùi ngồi nhặt rau xin được từ chợ (2016). Ảnh: Đức Hoàng
 
 Nếu Việt Nam không có ăn xin, không có người vô gia, bán hàng rong, hay rộng hơn là những người rời bỏ ruộng đồng và bế tắc trong mưu sinh, thì nhận viện trợ làm gì ? Thật ra những hình ảnh ấy còn đáng phải tôn trọng và tìm cách giải quyết hơn là mỹ quan đô thị - suy nghĩ của chị Mùi là như thế.
 
Để bộ mặt đô thị nhếch nhác, tức là tôn trọng sự thật và tìm cách giải quyết, còn hơn là sự đẹp đẽ bằng cưỡng chế - chị Mùi nghĩ thế.
 
Việt Nam vẫn đang nhận khá nhiều viện trợ. Riêng tiền viện trợ phi chính phủ, tức là cho không biếu không, đã xấp xỉ 300 triệu USD/năm. Vay ODA thì là một con số khổng lồ, năm ngoái chúng ta chi 150.000 tỷ để trả nợ và trả viện trợ. Cái nghèo vẫn là thực tế không thể phủ nhận.
 
Hay là các chuyên gia người Nhật của JICA nghĩ đúng, rằng Việt Nam thực sự chỉ có những mảnh thực tế giàu có mà thôi, những chai rượu xịn hàng nghìn USD, những đồng hồ điện thoại đắt tiền, còn những mảnh thực tế kiểu chị Mùi thì gần như không tồn tại ? Không nên viện trợ làm gì nữa.
 
Có thể câu nói hờn của chị Mùi đã đúng, rằng tiền viện trợ là để dành cho những người giàu. Có thể lắm chứ, với tất cả những scandal liên quan đến vốn ODA mà chúng ta phát hiện ra gần đây.
 
Xin có đôi điều suy ngẫm, luận bàn: Trên thế gian này, không có Quốc gia, địa phương nào mà không có người nghèo đói. Nhưng tôi cảm thấy xót đau từ những “lời nhận xét, lời hờn trách” mà Tác giả đã dẫn trong bài viết. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm gì, như thế nào… là điều không thể thiếu được của người có trách nhiệm, có lương tâm…    

Tác giả bài viết: Quốc Thái (sưu tầm)
Nguồn tin: Nguyễn Hùng Thái
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết